Với bức thư dài gần 4.000 từ gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thông qua Diễn đàn giáo dục edu.net.vn, Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Hiển, Giảng viên ĐH Houston đã có những phân tích khá sâu sắc về việc giáo dục việt Nam nên học nền giáo dục nước Mỹ ở điểm nào.
Trong bức thư, GS.TS Trần Văn Hiển đặc biệt nhấn mạnh việc đào tạo con người với hai nhóm khả năng quan trọng gồm khả năng tạo tổ chức và khả năng hội nhập thế giới.
Với việc so sánh nền giáo dục hai nước Việt Nam và Mỹ, GS.TS Hiển cho rằng nền giáo dục Việt Nam không nên cứng nhắc mà cần phải biết học hỏi kinh nghiệm từ những nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Singapo.
GS.TS Hiển nhận định, hiện tại Việt Nam là một nước với thu nhập đầu người rất thấp, chưa có những công ty độc lập giàu mạnh ở tầm cỡ thế giới. Điều này cho thấy phương pháp đào tạo con người hiện thời không phát huy những ưu điểm sẵn có của người Việt như cần cù, thông minh, ham học hỏi, ưa tìm tòi sáng tạo để chuyển thành khả năng lãnh đạo, giao tiếp, khả năng chuyên môn cao và khả năng cơ bản – nhất là phong cách con người.
Để giải quyết hiện trạng này GS.TS Hiển đã đưa ra nhóm giải pháp và những điều nên học nền giáo dục nước Mỹ.
Chương trình phổ thông của Việt Nam đặt nặng việc hấp thụ thật nhiều kiến thức tổng quát, ít chú trọng đến nâng cao phong cách con người, khả năng giao tiếp và sáng tạo. Học sinh Việt Nam, ngay từ cấp 1, chỉ biết học và học, không có thì giờ vui chơi, tập luyện thể thao, và phát triển những khả năng quan trọng khác như sự chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, tìm tòi, khám phá, v.v..
Phương pháp giảng dạy có nhiều tính cách độc đoán. Học sinh thường chấp nhận tuyệt đối những kiến thức từ thầy cô và từ sách giáo khoa dù đúng hay sai. Học sinh rất ít được tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, chất vấn, thảo luận, phát biểu ý kiến, và khám phá những gì hợp với sở thích của mình. Phương pháp giảng dạy này không giúp học sinh phát triển phong cách con người, khả năng sáng tạo và khả năng giao tiếp.
Chương trình học rất ít linh động vì tất cả mọi học sinh học cùng một chương trình trong cùng một thời gian, không cần biết đến sự khác biệt về sự phát triển về tâm sinh lý của mỗi cá nhân và ở từng lứa tuổi, về hoàn cảnh gia đình, khác biệt về địa phương, v.v Kiến thức tổng quát thường học nhiều về nội địa và dân tộc (ít về thế giới), nhiều về quá khứ nhất là thành tích chiến tranh (rất ít về tương lai và lòng yêu chuộng hòa bình của người dân ), nặng về lý thuyết khoa học (nhẹ về ứng dụng). Vì thường học nhồi nhét, học sinh chóng quên những kiến thức không hợp thời cơ, không hợp sở thích và hoàn cảnh cá nhân hay mức độ phát triển về tâm sinh lý của cá nhân.
Môi trường học thiếu những hoạt động nhóm mà học sinh làm chủ và từ đó không phát huy được khả năng giao tiếp và lãnh đạo.
Mỗi năm Việt Nam có trên một triệu học sinh cấp 3 thi vào Đại Học và khoảng 15% đỗ. Những em không vào được đại học bước chân vào đời rất kém về nghề chuyên môn, phong cách con người và khả năng giao tiếp, và gây nên nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Nếu Việt Nam muốn có một nền giáo dục cấp tiểu học đến cấp THPT đa dạng thì nên tham khảo một số phương cách từ Hoa Kỳ :
- Chương trình cấp 1-2 của Hoa Kỳ cũng bao gồm kiến thức tổng quát ở trình độ thiếu nhi. Lớp học có chừng 20 – 30 học sinh do đó thầy cô biết rõ từng em một và khuyến khích tự suy nghĩ, chất vấn, phát biểu ý kiến dù đúng hay sai, thuyết trình, và tham gia vào nhiều hoạt động nhóm để phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp từ lúc bé.
- Chương trình cấp 3 của Hoa Kỳ theo hệ thống tín chỉ, có nhiều môn tự chọn ( 30% của chương trình ), và cho học sinh rất nhiều lựa chọn như khi nào sẽ học một môn, môn nào hợp sở thích và khả năng, trình độ nào ( học ra làm công nhân, học để vào trường đại học tiểu bang, hay học để có thể được nhận vào Harvard), những môn nào hợp một chuyên ngành ở Đại Học, thậm chí có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian ra trường. Chương trình học đầy linh động này thích ứng được với sự khác biệt về thông minh, tài chánh, sự trưởng thành về tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, và từ đó phát huy được sự đam mê học và khả năng sáng tạo.
- Học sinh Mỹ được khuyến khích tham khảo, chất vấn, thảo luận và phát biểu những gì mình thích hay bức xúc mà không bị chính quyền, nhà trường hay thầy cô cấm đoán. Trường thường có nhiều hoạt động nhóm do học sinh làm chủ như hiệp hội trong và liên trường. Học sinh tự chọn lãnh đạo của hiệp hội qua tranh cử, và thực tập khả năng giao tiếp và lãnh đạo ở tuổi thiếu niên.
World Economic Forum 2006 xếp hạng giáo dục Đại Học rất thấp, 90/125. Khi so với những nước có những điểm tương đồng như đông dân và nền văn hóa lâu đời, thứ hạng Đại Học của Việt Nam rơi vào 10% chót của thế giới.
Thất bại nặng nhất của các trường Đại học Việt Nam là đào tạo rất ít sinh viên với khả năng chuyên môn cao thích hợp với đòi hỏi của nền kinh tế toàn cầu.
Giống như phổ thông, Đại học không giúp sinh viên phát triển được những khả năng quan trọng như giao tiếp, sáng tạo, lãnh đạo và phong cách con người vì chương trình, phương pháp giảng dạy, hệ thống tổ chức và quản lý thiếu tính cách linh hoạt, và không bắt kịp thời cuộc.
Mỗi năm Việt Nam có chừng 150 ngàn sinh viên ra trường, và chỉ có 5-10% sinh viên giỏi nhất với trình độ tiếng Anh và khả năng giao tiếp cao tìm được việc làm với thu nhập tạm đủ (chừng 300 – 500 đô la một tháng) từ công ty nước ngoài. 90 – 95% còn lại không có việc làm, hay có việc với thu nhập rất thấp (chừng 100 đô la một tháng ).
Nếu Việt Nam muốn cải cách đào tạo con người ở cấp Đại học thì nên học một số phương cách từ Hoa Kỳ.
- Ở Hoa Kỳ, cơ quan kiểm định chất lượng độc lập bảo đảm sự cập nhập hóa của chương trình học và trường có đủ khả năng giúp sinh viên đặt được khả năng chuyên môn ở trình độ cao.
- Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đại Học Mỹ, chọn lãnh đạo trường, và thành viên thường là những người thành đạt ở địa phương. Mỗi chuyên ngành thường được hướng dẫn bởi một hội đồng cố vấn và thành viên là những người thành đạt trong ngành. Những hội đồng này hướng dẫn Đại Học đào tạo khả năng chuyên môn mà xã hội cần như Đại Học nên dạy môn và ngành nào, và dạy ra sao để sinh viên có thể hội nhập nhanh khi ra trường.
- Hệ thống cộng đồng (Cao Đẳng, community college) của Hoa Kỳ có mặt ở mọi địa phương, và có 3 chương trình đào tạo: nghề ngắn hạn (từ 3 đến 6 tháng), nghề dài hạn (hai năm), và văn hóa để chuyển tiếp Đại Học (hai năm). Sinh viên tốt nghiệp Cao Đẳng văn hóa chuyển thẳng vào năm thứ 3 của Đại Học để học chuyên môn ở trình độ cao. Dạy nghề ở nhiều cấp bậc và liên thông giữa Cao Đẳng và Đại Học, tạo cơ hội cho nhiều người đạt được khả năng chuyên môn ở nhiều trình độ khác nhau.
- Sinh viên có thể chuyển ngành và trường một cách dễ dàng để học những khả năng chuyên môn phù hợp với sở thích cá nhân và với đòi hỏi mới của xã hội. Sự phù hợp đưa đến đam mê về học, khả năng chuyên môn và sáng tạo cao, và sinh viên chuyển nghành để bắt kịp thay đổi mới của nền kinh tế.
- Lối giảng dạy ở cấp bậc Đại Học ở Hoa Kỳ thường hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, làm đồ án, học nhóm, viết luận án ngắn và thuyết trình. Sinh viên được tự do suy nghĩ, chất vấn, thảo luận và phát biểu tất cả những gì mình muốn. Lối giảng dạy này nâng cao sự năng động, tình thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, giao tiếp và lãnh đạo.
- Ngoài những môn học trong lớp, Đại Học Hoa Kỳ thường có nhiều hoạt động nhóm do sinh viên làm chủ như nhiều hiệp hội trong trường và liên trường. Học sinh tự chọn lãnh đạo của những hiệp hội qua tranh cử. Mô hình tổ chức này giúp sinh viên thực tập và phát huy khả năng giao tiếp và lãnh đạo của mình.
Xã hội Hoa Kỳ tạo được một môi trường thích hợp cho sự phát huy những khả năng trừu tượng như phong cách con người, giao tiếp, sáng tạo và lãnh đạo. Dưới đây là một số ví dụ về vai trò của xã hội trong sự đào tạo con người ở Hoa Kỳ.
- Người dân học được sự công bằng, đạo đức và thành thật khi tiếp xúc với chính quyền hữu hiệu, minh bạch cao, phục vụ người dân tốt, công bằng với mọi người dân, v.v…
- Người dân quen với sự thành thật và đạo đức của doanh nghiệp trong đời sống hàng ngày như doanh nghiệp không bán gian khách hàng vì người mua được phép trả lại hàng trong vài tuần đầu nếu không thích.
- Kinh tế thị trường và sự tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu cá nhân khuyến khích con người làm giàu qua sự can đảm đầu tư để mở công ty lớn mạnh như Microsoft, HP, Dell, v.v…
- Từ Anh ngữ như you và I giúp người trẻ (hay thấp vị) có nhiều tự tin trong giao tiếp với người lớn tuổi, khác phái, mới quen hay cao vị.
- Nhiều hoạt động tôn giáo giúp tín đồ phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp như hoạt động nhóm, thuyết trình và giảng đạo, và thuyết phục người mới vào đạo.
Những điều trên cho thấy xây dựng được một đất nước tự do dân chủ, chính quyền minh bạch cao, có nền kinh tế thị trường, người dân có niềm tin cao vào khả năng của chính quyền trong sự tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu cá nhân, và doanh nghiệp hoạt động với tiêu chí thành thật, đạo đức, là một mục đích lâu dài nếu Việt Nam muốn tạo được một môi trường tốt cho mọi người dân tự phát huy những khả năng trừu tượng và từ đó tạo được nhiều tổ chức kinh tế lớn giàu mạnh.
Nhóm khả năng hội nhập thế giới gồm có kiến thức trung thực về thế giới và khả năng Anh ngữ cao. Kiến thức trung thực là kiến thức khách quan từ những học giả nổi danh của thế giới và không có vụ lợi hay tham vọng về chính trị hay kinh tế ở Việt Nam, gồm kiến thức về những cơ quan lãnh đạo của thế giới (Liên Hiệp Quốc – United Nations, Ngân Hàng Thế Giới – World Bank, Tổ chức thương mại thế giới – WTO, WHO, Vatican, Mecca, thị trường chứng khoán lớn, v.v ), kinh tế thế giới, chính quyền của những cường quốc, những nước có tài nguyên Việt Nam cần hay là bạn hàng quan trọng của Việt Nam, những tư tưởng kinh tế chính trị lớn, những nền văn hóa thành công, những sắc tộc đông dân số, những tôn giáo đông tín đồ, những ngôn ngữ nhiều người nói, v.v…
Chương trình phổ thông và Đại Học của Việt Nam cần có nhiều môn trung thực về thế giới để giúp người Việt có cái nhìn cao rộng, có thể quyết định chính sát là mình nên đi về đâu, và làm sao cạnh tranh được với thế giới.
Để giao tiếp với thế giới, người Việt cần giỏi tiếng Anh, một ngôn ngữ chung của thế giới.
Tiếng Anh phải ở trình độ cao đủ để xã hội có thể dùng được. Nếu không, người học từ từ sẽ quên đi những gì đã học. Ở cấp 3, học sinh giỏi phải giao tiếp được với người nước ngoài, nghe và hiểu được Anh ngữ từ radio và tivi nước ngoài; ở cấp Đại Học, phải nói và viết được tiếng Anh chuyên ngành; và ở cấp cao học, phải thuyết trình được và tranh luận những đề tài chính trong ngành.
Hiện tại Việt Nam là một nước với thu nhập đầu người rất thấp, chưa có những công ty độc lập giàu mạnh ở tầm cỡ quốc tế, và chưa có địa vị cao trên thế giới. Điều này cho thấy khả năng hội nhập thế giới của Việt Nam cần phải được nâng cấp thật nhiều. Song song với việc đào tạo khả năng tạo tổ chức, người Việt cần nâng cấp khả năng tiếng Anh và có sự hiểu biết trung thực về thế giới để chóng tiến lên như Singapore và Hồng Kông.