Đang đọc quyển The code book của Simon Singh (tác giả quyển Định lý cuối cùng của Fermat), tôi tóm tắt một câu chuyện thế này.
Đọc thêm: Giới thiệu sách “Mật mã” của Simon Singh
Ngay từ thời cổ đại, con người ta đã ý thức được tầm quan trọng của thông tin liên lạc và thấy rằng cần phải làm sao ẩn đi nội dung các bức thư để tránh sự tò mò của kẻ khác. Tuy nhiên trình độ khoa học kỹ thuật, tri thức và con người thời đó chỉ cho phép họ giấu đi bức thư thay vì mã hóa nó. Giấu thư nghĩa là nội dung thư và hình thức thư không thay đổi, chỉ là làm sao cho kẻ tò mò không tìm thấy được bức thư mà thôi. Còn mã hóa thư có nghĩa là cho dù rơi vào tay kẻ tọc mạch, họ cũng không biết nội dung bức thư là gì.
Trải qua nhu cầu cấp thiết của chiến tranh, của sự thông tin nhanh nhại và cẩn trọng, sự giấu thư đã tiến hóa từng bước một để đến với mã hóa thư. Các bức thư được mã hóa từ cơ bản đến phức tạp. Mở đầu là sự hoán đổi hoặc thay thế các chữ cái này bởi chữ cái khác trong bức thư, điều mà hầu như các đứa trẻ nào ngày nay cũng có thể làm được nhưng với thời xưa, đó là một đột phá lớn.
Nhưng có sinh thì cũng có diệt, mã hóa thư hình thành và phát triển thì song song đó, giải mã thư cũng phát triển theo. Ẩn sâu sau hậu trường của các cuộc chiến khắc nghiệt và đau thương là sự đấu tranh qua lại vô cùng gay cấn giữa những người mã hóa và những kẻ phá mã. Người tạo mã phải nghĩ cách làm sao để có thể mã hóa bức thư với độ phức tạp nhiều nhất có thể để những kẻ phá mã tài năng không kém bên phía đối phương không thể giải được. Có lúc người chiến thắng là những kẻ tạo mã khi lần lượt các mã thay thế một bảng chữ cái, nhiều bảng chữ cái, mã Vigenère và máy Enigma của quân đội Đứa ra đời. Có lúc việc giải và phá vỡ các quy tắc tạo mã là điều gần như không thể làm được. Nhưng rồi nhờ sự kiên trì không điều kiện, các nhà phá mã cũng dần đánh đổ được chúng từ các phương pháp phân tích tần suất để phá mã thay thế một bảng chữ cái cũng như các phương pháp nâng cao hơn của nó đề phá các mã thay thế nhiều bảng chữ cái và mã Vigenère đến sự xuất hiện của các hệ máy cơ phát minh bởi Rejewski và sau đó được nâng cấp bởi nhà Toán học Alan Turing để phá đi mật mã tưởng chừng không thể phá nổi tạo bởi máy Enigma trong thế chiến thứ II.
Cho đến khi bóng bán dẫn được phát minh và ngành công nghiệp máy tính được hình thành thì việc mã hóa thông tin liên lạc trở thành một xu hướng bắt buộc phải có trong đời sống hàng ngày không chỉ của quân đội và chính phủ mà còn cả của các doanh nghiệp và cá nhân người dùng bình thường. Họ mong muốn các bức thư của mình được gởi đi dưới một vỏ bọc thật sự an toàn, để khi đến nơi nó chỉ được đích danh người nhận mở ra và có thể đọc được. Trước khi gởi, họ phải mã hóa bức thư kèm theo một chìa khóa để giải mã nó. Vấn đề trọng yếu là làm sao cho những kẻ tò mò không biết được chìa khóa đó nhưng người nhận thư phải biết được để mà giải mã ngược lại bức thư kia.
Chính việc đòi hỏi phải có chìa khóa và người nhận phái biết được nó làm cho quá trình mã hóa không còn quan trọng bậc nhất nữa mà tập trung vào việc làm sao để người nhận thư biết được chìa khóa kia. Nếu gọi điện nói cho nhau nghe chìa khóa thì những kẻ nghe lén cũng biết được. Do đó chỉ còn cách là gặp trực tiếp và thống nhất với nhau chiếc chìa khóa. Nhưng nếu chỉ sử dụng cùng một chìa khóa cho nhiều bức thư thì sớm muộn những kẻ phá bĩnh cũng tìm được nên điều cần thiết là phải thay đổi chìa khóa một cách thường xuyên hay nói cách khác là phải gặp mặt nhau thường xuyên.
Vấn đề sẽ thực sự lớn với một công ty có nhiều khách hàng, nhất là các công ty bảo hiểm, ngân hàng, tài chính. Họ sẽ phải liên lạc những thông tin mật với hàng ngàn, hàng vạn khách hàng trong một ngày và tất nhiên tất cả thư phải được mã hóa. Nhưng số lượng chìa khóa cũng là rất lớn và làm sao để khách hàng biết được chìa khóa mà công ty đã khóa? Không thể gặp trực tiếp từng khách hàng để nói cho họ nghe được vì số lượng và thời gian sẽ là cực lớn.
Một thời gian dài sau khi việc bình dân hóa việc mã hóa bùng nổ, vấn đề phân phát chìa khóa thư này là một vấn đề được xem là không thể giải nổi. Cả thế giới chấp nhận nó và tìm cách khác để giảm thiểu sự bất tiện thay vì tìm cách phá vỡ sự bất tiện.
May mắn thay trong hàng triệu nhà khoa học đã chấp nhận sự thật phũ phàng kia, vẫn có những kẻ ngu ngơ và khù khờ dấn thân vào việc tìm cách giải quyết nó. Khởi nguồn là Whitfield Diffie (một nhà tạo mã), Martin Hellman (giáo sư trường ĐH Stanford) và Ralph Merkle (một người tị nạn về trí tuệ). Cả ba kẻ khù khờ này đã bỏ ngoài tai tất cả để dấn thân vào một điều không thể giải nổi.
Hellman đã từng nói,
Cũng giống như tôi và Diffie, Ralph cũng là một thằng ngốc. Và con đường đạt tới đỉnh cao thông qua sự triển khai nghiên cứu lại từ đầu phải là của kẻ ngốc vì chỉ có ngốc mới kiên trì thử mãi như vậy. Anh có ý tưởng số 1, anh rất phấn khích, và rồi nó thất bại. Sau đó anh lại nảy ra ý tưởng số 2, anh rất hứng khởi nhưng rồi nó lại thất bại. Rồi anh có ý tưởng số 99, anh lại rất hứng khởi, nhưng nó cũng lại thất bại nốt. chỉ có kẻ ngốc mới hứng khởi đến ý tưởng thứ 100 nhưng rất có thể phải mất đến 100 ý tưởng thì người ta mới được đền đáp. Trừ khi anh đủ ngốc để tiếp tục hứng khởi, nếu không thì anh làm gì có động cơ, làm gì có năng lượng để đi tiếp. Quả là Chúa ban thưởng cho những thằng ngốc.
Tôi tạm dừng việc kể câu chuyện trên. Có rất nhiều điều mà bạn tưởng hiển nhiên trong cuộc sống này nhưng nó đã từng là những thứ bị xem là không thể phá vỡ. Bạn có được cuộc sống ngày nay có lẽ nhờ vào sự ngu ngơ của không biết bao nhiêu kẻ ngốc.
Đôi lúc bạn cũng nên ngốc nghếch đi 1 tí để có thể giải quyết các vấn đề mà bạn nghĩ là cuộc sống đang chơi khó mình. Rồi chúng cũng được giải quyết mà thôi, quan trọng là bạn có đủ ngốc để theo đuổi nó đến cùng hay không.
Có lẽ vậy mà Steve Jobs đã từng nói “Stay hungry, stay foolish.” (Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.)