Bài viết là những chia sẻ về kinh nghiệm và tài liệu dành cho những ai không có điều kiện hoặc muốn tự học tiếng Pháp.
Khi viết bài này, tôi không phải là một người giỏi tiếng Pháp, tôi cũng không phải là người có khiếu học ngoại ngữ, tôi chỉ viết cho những ai có nhu cầu tự học ngôn ngữ này từ con số 0.
Với cách và tài liệu giới thiệu trong bài này, gần như đảm bảo bạn sẽ đạt tầm trình độ A2 của nói và B1 của các kỹ năng khác. Nếu bạn muốn học cao hơn, bạn cần phải đăng ký một khóa học chính thức hoặc phải thường xuyên tìm người giao tiếp!
Bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng, bạn cần học cách phát âm và biết cách đọc một từ tiếng Pháp chỉ bằng cách nhìn chữ. Tiếng Pháp khác tiếng Anh ở chỗ nó có quy luật đọc (tất nhiên để cho thật sự chính xác, bạn cần phải nghe người Pháp đọc từ đó). Tài liệu này rất cơ bản và chỉ cho bạn cách nhận biết gặp âm gì, vần gì sẽ đọc ra sao. Và để có thể nghe người Pháp phát âm ra làm sao, bạn có thể dùng Google Translate (nhấn cái loa lần 1 nghe tốc độ bình thường, nhấn lần 2 nghe chậm hơn), từ điển Larousse online để nghe âm chuẩn thật sự và Forvo – từ điển phát âm.
Các bước tiếp theo đây phải làm song song, mỗi cái từng chút một, không phân biệt thứ tự trước sau.
Tiếp theo, bạn cần học ngữ pháp. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tập trung vào các kỹ năng giao tiếp nên ngữ pháp là thứ yếu. Đừng quá tập trung vào làm bài tập, luyện đề,… như cách bạn học tiếng Anh thời phổ thông vì nó rất tốn thời gian và mang tính thụ động. Học ngữ pháp để hiểu được quy luật và có thể tự suy đoán cách nói trong trường hợp chưa bao giờ nghe một câu nào đó. Gần tương tự tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi vẫn ưu tiên bạn tạo thói quen “quen với cụm từ” hơn là phải thông qua việc áp dụng ngữ pháp trước khi nói.
Về ngữ pháp thì rất dễ tìm tài liệu, phải nói là vô cùng nhiều. Ở đây tôi gợi ý bạn đọc tài liệu vô cùng cơ bản này trước. Sau đó bạn có thể tìm mua (hoặc download) quyển sách mang tên Grammaire Progressive du Français (mỗi cấp độ một quyển khác nhau) để mà học ngữ pháp và làm bài tập.
Trong trường hợp bạn muốn làm bài tập online, bạn có thể vào trang francaisfacile.com để mà học và làm. Đừng nhìn giao diện của trang này mà khi dễ nó nha, một kho học tiếng Pháp đồ sộ và miễn phí đó.
Việc chọn nguồn và học ngữ pháp thì không cố định, cái quan trọng là bạn cần biết nên học chủ đề gì (danh từ, tính từ, COD, COI, các thì,…) rồi sau đó cứ Google để học về lý thuyết và làm bài tập cho quen và hiểu là được.
Học ngoại ngữ thì không thể thiếu từ điển được. Dưới đây là các ứng dụng và trang web mà tôi thấy hay và tiện nhất.
- GoldenDict: Tôi là fan cuồng của ứng dụng miễn phí này (có trên Windows, Linux và MacOS). Nó có thể sử dụng dữ liệu của các phần mềm từ điển khác như Babylon (download tại đây).
- Lingoes: Lại là một phần mềm từ điển khác (chỉ có trên Windows), ít dữ liệu từ điển hơn Goldendict nhưng cũng có thể dùng được phần Anh-Pháp, Pháp-Anh, download tại đây.
- Verbix (Windows), Le Conjugueur (Win, Linux, MacOS): Các ứng dụng tra cách chia động từ trong tiếng Pháp.
Tôi dùng song song Lingoes với GoldenDict chủ yếu về mặt tiện dụng. GoldenDict thì tôi dùng để tra Pháp-Việt, Việt-Pháp, còn Lingoes thì tôi dùng để tra Anh-Pháp, Pháp-Anh. Tôi gán hai phím tắt khác nhau cho hai phần mềm này để mở cho nhanh và không phải lăn chuột lên xuống trong lúc tra (cụ thể, tôi gán
F3
cho Lingoes và phím F4
cho GoldenDict).Ngoài ra, bạn có thể dùng các từ điển online như:
- Larousse: Bộ từ điển online quá nổi tiếng, cái này tôi dùng để nghe phát âm kèm các ví dụ ứng dụng của từ. Rất nhiều và chi tiết. Từ điển này cũng có ứng dụng dành cho điện thoại iOS và Android. Ngoài ra có các bộ khác tương tự như Cambridge hay Collins.
- Vdict: từ điển Pháp Việt – Việt Pháp online.
- Linguee hay Bab.la: Trong trường hợp bạn thắc mắc “Không biết cụm từ abcxyz viết như thế nào trong tiếng Pháp ta?” thì đây là trang bạn cần. Nó sẽ kiếm trong tất cả các tài liệu, trang web song song có chứa cụm từ bạn muốn, đối chiếu hai bên xem cách dùng tiếng Anh và tiếng Pháp ra sao. Hoàn toàn chính xác, rất thích hợp cho bạn dùng trong việc viết.
- DeepL hay Google Translate: nếu bạn cần dịch một đoạn, một câu, một tài liệu thì đây là hai trang bạn cần. Có lẽ bạn sẽ thấy trang DeepL hơi lạ nhưng theo tôi, nó đánh bại Google Translate hoàn toàn trong mảng dịch Anh-Pháp-Anh. Không tin thử sẽ biết. Trong trường hợp bạn cần tra liên quan đến tiếng Việt thì chỉ có Google Translate là lựa chọn.
- conjugation-fr: trang web giúp bạn tra cách chia động từ trong tiếng Pháp.
- Trên điện thoại, tôi khuyên bạn download và mua phần mềm Dict Box (Android, iOS). Đây là một dạng từ điển tất cả trong một kiểu như GoldenDict dành cho di động. Tôi rất thích nó vì tính tiện dụng của nó. Khi bạn tra một từ, những gợi ý sẽ cho bạn biết ngay nghĩa của nó mà không cần nhấn vào. Nếu bạn muốn biết thêm thì mới cần nhấn vào. Thêm nữa, khi bạn đang tra một từ, bạn muốn tra thêm một từ khác, chỉ nhấn vào từ và màn hình điện thoại sẽ tự chia làm hai, màn hình bên dưới như một kết quả phụ. Đây lại là một phần mềm do người Việt làm, rất phong phú và hiệu quả!
Tôi rất thích phương pháp này và chưa nghe thấy ai bảo phương pháp này lỗi thời. Chỉ có điều bạn có tìm được đủ hứng thú và kiên nhẫn để xem hay không thôi. Dưới đây là một số nguồn xem phù hợp với những người mới bắt đầu như bạn (thứ tự tăng dần theo trình độ từ A0 đến B1, do tôi tự đánh giá).
Khi xem các video này, cố gắng vừa xem vừa “nhái theo” cách nói, ngữ điệu, phát âm và câu mà bạn nghe được.
- Français avec Pierre: Kênh nói đủ thứ về tự học tiếng Pháp. Cặp đôi rất dễ thương, tôi thường xem để hiểu thêm về ngữ pháp, về cách dùng từ, về văn hóa,… trên đây. Ưu điểm là có phụ đề, giọng nghe rất rõ, tốc độ vừa phải và không bị chán.
- Extra French: Một series phim ngắn đủ để bạn thấy thích và hiểu nó vì hoàn cảnh của phim xoay quanh một anh chàng người Mỹ chưa biết gì về tiếng Pháp, đến chung sống với những người Pháp. Anh ta giống bạn, bạn giống anh ta, hãy thử xem với phụ đề, xem đi xem lại và học từng chút một từ bộ phim này.
- Easy Language (French): Nhóm này họ làm những video từ đường phố, thực tế bên ngoài, người đi đường,… để dạy bạn những điều cơ bản nhất. Họ có dùng tiếng Anh song song để giải thích. Rất thích hợp cho những người mới bắt đầu nhưng có lẽ không thích hợp lắm nếu bạn đã qua giai đoạn cơ bản vì khá tốn thời gian và có lẽ bạn sẽ có cảm giác không thích tiếng Anh xen lẫn tiếng Pháp.
- InnerFrench: Cho tới khi viết bài này thì tôi cũng vừa phát hiện ra trang của anh này nhưng thật sự chất lượng. Cách nói chuyện hơi chậm nhưng lượng thông tin hữu ích thì khỏi phải bàn. Bạn có thể bắt đầu cơ bản với các video ở đây hoặc cũng có thể dành nó cho trình độ A2 cũng được.
- Français Authentique: Cũng lại là một kênh dạy tiếng khác giống cái số 2 và số 4 nhưng chất lượng âm thanh và độ thú vị theo tôi đánh giá là không bằng. Tuy nhiên cái này cũng bổ ích nếu bạn chịu khó kiên nhẫn xem và biết đâu với bạn thì phong cách của thầy này lại hay hơn hai cái kia thì sao?
- French Stories in HD for children to read along: Nếu bạn có tâm hồn trẻ thơ (hoặc bạn muốn con bạn học tiếng Pháp) thì đây là các câu chuyện thiếu nhi trong sách được đọc lại, kèm theo phụ đề kiểu karaoké. Giọng đọc rõ ràng, rất chậm, thích hợp cho trình độ nghe mới học.
- Alice et Antoine: Một câu chuyện/phim ngắn về hai người cực thú vị. Video hướng đến đối tượng A1.
- Podcast français facile: Tuyển tập các cuộc hội thoại theo chủ đề kèm theo script cho bạn theo dõi. Bạn có thể download về
- Bạn có thể xem tất cả phim lẻ, bộ bằng giọng Pháp và phụ đề Việt lẫn Anh. Nghĩa là thay vì xem bản gốc, bạn hãy xem bản lồng tiếng Pháp. Chỉ cần search film streaming francais là bạn sẽ tìm được. Math2IT khuyến cáo đây là một hình thức vi phạm bản quyền!
Dưới đây là những kênh dành cho bạn đã nghe được kha khá, tầm A2 trở lên.
- 7 jours sur la planète: Cái này là những bài nói theo chủ đề, kèm theo phụ đề rất rõ và sát với các cuộc phỏng vấn. Bạn có thể dùng nó để luyện nghe từ nhiều giọng chuẩn khác nhau cũng như học từ vựng theo chủ đề rất tốt.
- J’irai Dormir Chez Vous: Bạn sẽ theo chân Antoine để đi du lịch bụi một mình đến những đất nước và vùng đất xa lạ trên khắp thế giới. Chú sẽ đến, đi mấy vùng phổ biến và hiếm thấy, trò chuyện với người bản xứ và xin ngủ nhờ nhà họ. Loạt video là phóng sự và cũng là cách để bạn tìm hiểu thêm về văn hóa các nước, tôi rất thích loạt video này.
- 6 media được khuyên bởi trang InnerFrench: Brut (phụ đề chuẩn), Le Fil d’Actu, Hugo décrypte.
- Ngoài ra còn có các kênh kiến thức sau (đa phần là phụ đề tự động tạo, không quá chính xác): 1 jour, 1 question, Tu mourras moins bête, La statistique expliquée à mon chat.
- Fais pas ci, Fais pas ça (không phụ đề): một bộ phim giả lập là một phóng sự về hai gia đình với hai cách giáo dục con cái khác nhau.
- French TED talks with French subtitles: TED thì hẳn không ai còn xa lạ, đây là loạt video của TED nói bằng tiếng Pháp kèm theo phụ đề.
Song song với xem các kênh trên video nhỏ lẻ hay phim như ở trên, bạn cũng cần xem các chương trình TV. Dưới đây là các ứng dụng và trang web cho phép bạn xem online.
- France.tv: trang web (có cả ứng dụng di động) cho phép bạn xem các chương trình TV thậm chí đã cũ được sản xuất trên đài truyền hình Pháp.
- Télé-Loisirs: trong trường hợp bạn muốn biết lịch chiếu của các kênh truyền hình nói tiếng Pháp thì đây là trang web (có ứng dụng) phù hợp.
- Molotov.tv: Ứng dụng xem TV trên máy tính, điện thoại. Nó cũng tích hợp một kiểu giống như Nexflix nhưng bạn phải trả phí. Mục miễn phí thì bạn có thể xem các chương trình TV bình thường.
Ngoài ra, bạn có thể download bộ sưu tập các bài đàm thoại định dạng mp3 do Math2IT sưu tầm để dành “tắm” trong tiếng Pháp (mỗi khi bạn tập thể dục, ngồi xe hay làm gì đấy mà chỉ cần nghe).
Có nhiều ứng dụng vừa chơi vừa học tiếng Pháp trên web lẫn điện thoại. Riêng tôi, tôi thích nhất Duolingo, Busuu (để học nhiều kỹ năng) và Lingvist (để học từ theo câu). Riêng Duolingo có thêm mục Stories khá hay. Còn Busuu thì bạn có thể ghi âm giọng nói hoặc thực hành viết các câu ngắn để được những người biết tiếng Pháp khác sửa cho.
Cách này tôi chưa áp dụng nhưng một người em cùng phòng trọ của tôi đã áp dụng rất hiệu quả. Trên các trang web kiểu như MyLanguageExchange hay ConversationExchange, bạn sẽ kết bạn và có thể trao đổi ngôn ngữ với những người bản xứ có nhu cầu học tiếng Việt (hoặc Anh). Bạn dạy họ ngôn ngữ bạn biết và họ dạy bạn ngôn ngữ họ biết qua Skype hay các ứng dụng nhắn tin, gọi điện trực tuyến. Bạn cũng có thể hẹn họ để gặp trực tiếp nếu muốn. Đây là một cách giúp bạn tìm được rất nhiều bạn nước ngoài.
Bước 7. Dùng Google Assistant để luyện phát âm
(Nhớ chuyển ngôn ngữ của app này về tiếng Pháp)
Một phương pháp vui do tui tự nghĩ ra là tui dùng GA để cho nó nhận biết giọng của mình. Nếu bạn nói một cậu tiếng Pháp, một từ mà nó nhận trật lất chứng tỏ bạn phát âm khá sai. Hãy luyện nói cho nó nghe cho đến khi nào nó nhận đúng câu bạn nói mới thôi. Cách này sẽ hữu hiệu trong trường hợp bạn thiếu người sửa phát âm cho bạn.
Hãy thay đổi thói quen sử dụng hàng ngày liên quan đến ngôn ngữ. Thay đổi tiếng mặc định trong điện thoại thành tiếng Pháp, thường xuyên đọc tin tức, nghe radio, xem TV hay lẩm nhẩm một mình bằng tiếng Pháp. Luôn thắc mắc “Từ này trong tiếng Pháp nghĩa gì ta?“, luôn hỏi câu này khi ra đường gặp từ nào đó. Nhấn like và chọn cho xuất hiện đầu tiên trong feed Facebook các trang web tiếng Pháp. Chuyển việc xem phim tiếng Anh phụ đề Việt sang phiên bản tiếng Pháp. Tải các game kiểu đọc hiểu tiếng Pháp. Đọc sách tiếng Pháp cơ bản lẫn nâng cao,… Nói chung mọi thứ chỉ cần có dính tới ngôn ngữ, bạn hãy chuyển thành tiếng Pháp.
Một số kênh tất cả trong một khác cho bạn lựa chọn: Learn French with FrenchPod101.com, Bonjour de France, TV5 Monde, QIOZ.
Trên đây là những kinh nghiệm cá nhân, hy vọng chúng bổ ích cho các bạn. Hãy tự chọn cho mình một cách học hiệu quả với bản thân. Có thể trình tự sử dụng và sắp xếp các nguồn tài liệu ở trên sẽ khác với từng người nhưng thật sự chúng rất hữu dụng. Hãy luôn tìm nguồn cảm hứng trong việc học tiếng Pháp, gò bó sẽ khó đem lại kết quả. Chúc bạn thành công!