Factfullness – 10 lý do chúng ta hiểu sai về thế giới và tại sao mọi thứ tốt đẹp hơn ta tưởng

Bill Gates nói về quyển sách mà ông rất tâm đắc trong năm 2018 của một người bạn quá cố của ông – Hans Rosling.

Theo Hans, và Bill đã hoàn toàn đồng ý, không nên phân chia thế giới theo kiểu “các nước đã phát triển” và “các nước đang phát triển“. Việc phân chia với phổ quát rộng như vậy se khiến chúng ta có cái nhìn sai lệch về mức sống của con người trong thế giới này.

Bill lập luận. Nếu chỉ có 2 sự lựa chọn để phân loại giữa “giàu” và “nghèo”, rất khó để có sự tiến bộ trong các kế hoạch phát triển, vì người ta có xu hướng cho mình là nghèo chỉ vì không có một tiêu chí nào đó trong khi không phải vậy. Nó giống như việc bạn đứng trên một tòa nhà chọc trời và nhìn xuống thành phố. Bạn sẽ không phân biệt được đâu là tòa nhà 50 tầng và đâu là tòa nhà chỉ có 10 tầng hoặc thấp hơn thế.

Theo Hans, thế giới nên được chia thành 4 nhóm tùy theo mức thu nhập hàng ngày của mỗi người. Nhóm 1 thu nhập dưới 2$/ngày, điều kiện cuộc sống thiếu thốn thật sự, có khoảng một tỷ người thuộc nhóm này. Nhóm 2, nhóm chiếm đại đa số với tầm 3 tỷ người, có thu nhập từ 2$ đến 8$, cuộc sống tốt hơn và chấp nhận được hơn so với nhóm 1. Nhóm 3 của 2 tỷ người thì có thu nhập khoảng 8$ đến 32$ một ngày, điều kiện cuộc sống ổn định, có thu nhập dư và đồ đạc bắt đầu có sự đầu tư hơn. 1 tỷ người còn lại và cũng là những người giàu nhất trong thế giới này thuộc nhóm 4, nhóm thu nhập cao hơn 32$ mỗi ngày.

Sự phân loại trên, chỉ là một trong những yếu tố mà sách đề cập, có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về thế giới này và sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu hiểu đúng và khái quát về nó thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính tiêu cực.

Giả sử có một cơn lốc xoáy vừa giết chết 10 người trong một thị trấn nhỏ. Nếu chỉ nhìn qua tiêu đề các bài báo, bạn sẽ nghĩ đó là một thảm họa thật sự. Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra và đối chiếu với lịch sử của những cơn lốc xoáy thì tỷ lệ người chết ngày nay đã giảm đi rất đáng kể nhờ vào các dự báo thiên tai tiên tiến. Điều này không ám chỉ xem nhẹ những người đã mất nhưng nó có ý nghĩa to lớn với đại đa số người sống sót và cách nhìn của những người ngoài cuộc. Điều đó cũng giống như việc, Bill nói, các tổ chức từ thiện như của ông và vợ đã giúp cắt giảm gần phân nửa số người trong cảnh nghèo đói cùng cực trong vòng 20 năm qua nhưng chẳng có một tờ báo buổi sáng nào viết về nó theo kiểu “Tỷ lệ nghèo đói đang giảm từng ngày”. Tôi nghĩ, ý ông muốn nói, họ chỉ chăm vào sự nghèo đói và lợi dụng nó để truyền tải những ý định khác.

Tuy nhiên Hans không cho đó là lỗi của chúng ta, những người luôn có những “hiểu lầm”, vì ông hiểu đó là bản năng của con người và để vượt qua chúng là không hề dễ dàng vì chính ông cũng đã từng như vậy.

Đọc sách của Hans có thể không giúp thế giới này tốt ngay lên nhưng nó sẽ giúp thế giới trong chúng ta trở nên tốt hơn và cái nhìn của chúng ta sẽ khác đi khi chúng ta biết mình đang ở đâu trong thế giới này và trân trọng nó hơn.


Bài viết dựa phần lớn vào blog của Bill, mình chưa đọc sách của Hans (và sẽ đọc). Ảnh bìa được lấy từ đây.