Lần đầu thấy trăng là một tiểu thuyết giáo dục. Tác giả mượn những con người, hình ảnh và cốt truyện để nói về một phần thực trạng giáo dục của Việt Nam ngày nay, về những suy nghĩ thầm kín của một người giáo viên chân chính. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, về đạo đức nghề nghiệp cũng như tác động của môi trường giáo dục rập khuông, đề cao thành tích được miêu tả sinh động qua tác phẩm.
Tác phẩm cũng cho ta góc nhìn nội tâm đa dạng của một bộ phận trẻ cá biệt với những tính cách mạnh. Những gì ta thấy và hiểu về chúng chưa nói lên con người của chúng. Ai cũng có một hoài bão và ước mơ riêng, chỉ là họ có đủ nghị lực để vượt qua cái hoàn cảnh và trách nhiệm nặng nề mà cuộc sống khôn lường mang đến cho họ hay không.
Lời tự sự về nhân sinh quan, về thái độ sống của nhân vật chính khiến cho ta có một sự đồng cảm sâu sắc với những kiếp người cùng khổ trong xã hội.
Chung quy lại thì giáo dục vẫn là quốc sách hàng đầu của quốc gia, Võ Diệu Thanh ẩn ý gởi đến mong muốn đổi mới cải cách giáo dục một cách toàn diện và mang tính thực tiễn hơn là tô vẻ hình thức như hiện nay. Tác phẩm cũng cho ta thấy vẻ bất lực và lời than trách cho số phận của nền giáo dục hiện tại. Hệ thống trường học, giáo viên, bằng cấp, bảng điểm và thành tích ngày một sáo rỗng và không mang lại lợi ích thiết thực.
Nếu là một người làm trong giáo dục, yêu nghề, yêu trẻ, cũng có mong muốn góp một chút gì đó cho nền giáo dục nước nhà hay chỉ đơn giản là một người còn lòng trắc ẩn về thế thái, nhân sinh, về quá trình xây dựng con người dưới tác động khó lường của xã hội, hãy đọc tác phẩm này của Võ Diệu Thanh.