Một vài nỗ lực giải mã giáo dục Việt Nam

Vài ngày vừa qua có một bài báo khá đáng chú ý về năng lực của học sinh Việt Nam, tạm tóm tắt như thế này:

Có thể nhận thấy một mối tương quan rõ rệt giữa nền kinh tế của một quốc gia và năng lực của các học sinh nước đó thể hiện qua bài kiểm tra. Nói cách khác, nước nào càng giàu thì học sinh học càng giỏi. Tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ lớn của nguyên tắc này. Với GDP bình quân đầu người chỉ tương đương ½ so với Mỹ, kết quả kiểm tra của học sinh Việt Nam gần xấp xỉ kết quả của Mỹ hay Canada. Với cùng một mức thu nhập đó, kết quả của học sinh Ấn độ lại thấp hơn rất nhiều.

Tại sao?

Kết quả của hai nghiên cứu quy mô quốc tế được đưa ra: Abhijeet Singh thấy rằng một năm học tiểu học ở Việt Nam thì “cật lực” hơn nhiều so ở Peru hay Ấn Độ. Còn Suhas D. Parandekar and Elisabeth K. Sedmik thấy rằng việc quan tâm đầu tư của Việt Nam vào giáo dục và khác biệt văn hóa đã giải thích được phân nửa câu hỏi này:

  • Ảnh hưởng của nền văn hóa: Nhìn chung, học sinh Việt Nam tập trung vào việc học hơn và học tập một cách nghiêm túc hơn: Ít đi trễ, ít vắng mặt, dành nhiều thời gian học khi về nhà..Phụ huynh Việt Nam có vẻ như quan tâm đến chuyện học hành của con cái hơn. Giáo viên ít tự do hơn, việc dạy được đặt dưới sự quản lý nhiều hơn.
  • Việt Nam dành nhiều đầu tư vào giáo dục hơn những quốc gia đang phát triển khác. Mặc cho những thấp kém về kinh tế, cơ sở vật chất trường học cũng như các nguồn lực khác ở Việt Nam tốt hơn so với 7 quốc gia khác trong nghiên cứu. Trẻ em Việt Nam tiếp cận giáo dục sớm, số lượng trẻ em học mẫu giáo ở Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác.

Đọc đến đây, không biết có nên cho mình một giây để được tự phụ một chút hay không. Kết quả này cũng có liên hệ với nhận định của Malcolm Gladwell trong Những kẻ xuất chúng về vai trò của “Di sản” trong thành công. Theo Gladwell, chính nền văn hóa lúa nước đã góp phần trong việc tạo nên thói quen chăm chỉ từ lâu đời của những người sống trong đó.

Tuy nhiên, chưa rõ bài kiểm tra được sử dụng trong nghiên cứu được thiết kế để đánh giá năng lực nào của học sinh, nhưng nhìn chung cách thức đánh giá là qua kết quả bài kiểm tra, như vậy khó có thể đưa đến cùng kết luận cho các loại năng lực khác – có thể có vai trò quan trọng hơn trong sự thành công chung cuộc.

Trong một bối cảnh khác, lại đọc được một bài viết của giáo sư John Vũ (nhà khoa học người Mỹ – gốc Việt) về giáo dục của Trung Quốc (thú thật là tâm lý so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc ở bất kỳ đâu là chuyện không tránh khỏi, kết quả của nghiên cứu trên đối với Thượng Hải – TQ cũng là một ngoại lệ). Ông thuật lại buổi nói chuyện với một người bạn TQ – người này nói về giáo dục TQ như thế này:

Về lí thuyết, học sinh không phải trả tiền cho trường học nhưng nếu họ không trả tiền cho thầy giáo dùng dịch vụ dạy kèm thêm, họ không bao giờ qua được kì thi. Vấn đề với giáo dục của chúng tôi là nó đã đào tạo hàng triệu học sinh rất “giỏi qua kì thi” những không thực sự có kiến thức gì khác. Toàn thể hệ thống giáo dục của chúng tôi chỉ hội tụ vào việc qua kỳ thi, thu được bằng cấp chứ không có gì khác, không mấy ai phát triển kĩ năng thâm sâu đâu. Việc học chính là tập trung vào sự ghi nhớ các lý thuyết, các quan niệm, các bài tập viết sẵn để qua được kì thi. Và để qua kì thi học sinh cần trả tiền cho thầy giáo dạy kèm cho họ, từ tiểu học tới đại học, mọi kiểm tra, mỗi kỳ thi đều có giá biểu riêng. Hệ thống giáo dục của chúng tôi vẫn dựa trên hệ thống của triều đại phong kiến khi xưa nơi học sinh có tiền trả cho thầy giáo sẽ học tốt và được thưởng nhưng học sinh nghèo, con cái nông dân hay công nhân lao động, không có tiền trả thêm cho thấy dạy kèm sẽ không thể qua nối các kỳ thi và sẽ bị loại bỏ.

Ở đại học, sinh viên được dạy để học thuộc lòng các bài luận được viết sẵn nhưng họ không mấy khi tự mình viết bài luận. Mọi điều họ làm là ghi nhớ những bài luận này để qua được kiểm tra. Người tốt nghiệp của chúng tôi có thể trích dẫn nhiều lí thuyết nhưng không thể áp dụng được gì. Đó là lí do tại sao chúng tôi “sao chép” mọi thứ như đồng hồ Rolex giả, iPhone giả, iPads giả, Viagra giả, cho tới những con “chip” máy tính giả, và sao chép tất cả mọi phần mềm bán trên thị trường thế giới..

Ngày nay giấc mơ của học sinh Trung Quốc là được nhận vào đại học ở Mĩ và sau khi tốt nghiệp, có việc làm ở đó và xây dựng sự nghiệp ở bên đó. Gần như gia đình nào có điều kiện cũng đều lo gửi con cái ra ngoài quốc học. Khi trước họ gửi con vào đại học nhưng bây giờ nhiều người cũng gửi con vào trường Trung học. Không mấy ai tin tưởng vào hệ thống giáo dục ở đây nữa. Đó là tình huống đáng buồn của hệ thống giáo dục của chúng tôi. Không có thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục mất di những học sinh giỏi nhất cho các nước khác.

Đừng giật mình gì hết. Họ đang nói chuyện TQ thôi, không phải Việt Nam. Có thể hơi lạc quan, nhưng bản thân tôi vẫn có niềm tin với nền giáo dục nước nhà và học sinh trong đó. Ở Mỹ người ta cũng phàn nàn về hệ thống giáo dục của họ. Ở Việt Nam cũng vậy, ở Trung Quốc cũng vậy. Ở đâu cũng có người hay và người dở, cách giáo dục nào cũng có người thuận người chống (giống như cách các nhà khoa học trên giải thích nguyên nhân học giỏi của học sinh là do giáo viên giảng dạy ít tự do hơn) bởi vì mục đích giáo dục của mỗi người là khác nhau. Điều quan trọng là người học có nhận ra được cái hay cái dở trong từng phương pháp giáo dục hay không. Đừng phủ định hết tất cả những gì mình nhận được. Rất nhiều người không hài lòng với cách giáo dục mình từng trải qua, một vài người đánh đồng năng lực thấp kém của học sinh Việt Nam, một số tự hào quá mức. Vấn đề chúng ta là phải học và đọc, đi và nhìn để không tự đánh giá cao mình cũng như đánh giá thấp mình. Hãy học đánh giá mình đúng – một bài học khó khăn nhất.


Bài viết copy từ trang Book Connect, tác giả thứ ba.